Ba,
Tự dưng con nhớ bãi cát nam Sông Trà dưới chân cầu Trà Khúc, nơi ba đưa mấy chị em thỏa cát mỗi chiều 50 năm trước. Những đụn cát ngày ấy đẹp tựa đồi cát bay ở Bắc Bình, Bình Thuận bây giờ.
Bãi cát ấy không còn nữa.
Cái thay đổi ấy như 2.500 năm trước Triết gia người Hy Lạp Heraclitus thốt “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” mà nguyên văn là “kανένας δεν περπατά στο ίδιο ποτάμι δυο φορές”.
Cái thay đổi ấy giống cảm thức của Thi sĩ Trần Tế Xương trong thơ “Sông Lấp”:
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Quảng Ngãi (chữ Nho là 廣義) là một xứ trên địa cầu 4,5 tỉ năm rồi, nằm bên dãy Trường Sơn và men biển Đông, có diện tích 5.153 km2 và dân số 1.3 triệu người.
Sử xưa chép Quảng Ngãi thuộc Việt Thường Thị và cũng chép là đất Chăm.
Quảng Ngãi có huyện đảo Lý Sơn, nơi mà từ thời các chúa Nguyễn có đội Hoàng Sa và Bắc Hải khai thác và quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Niên hiệu Minh Mạng thứ mười bảy (1836) hai quần đảo này được khắc vào Cao đỉnh (một trong 9 đỉnh đồng đúc thời khoảng 1835-1837, đặt tại Thế miếu, Thuận Hóa Hoàng Thành). Vậy có thể coi Quảng Ngãi là nơi lưu giữ kí ức hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước Việt.
Phủ Quảng Nghĩa có từ năm 1602, thuộc dinh Quảng Nam. Thành cổ Châu Sa một thời là dinh lị Quảng Nam. Năm 1832 lập tỉnh Quảng Ngãi, bỏ chữ “nghĩa” vì kị tên thụy của Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (Nguyễn Phúc Thái).
Quảng Ngãi có núi Ấn (Thiên Ấn, Hó) cao 106 m, hình giống cái ấn, nằm bờ bắc sông Trà. Niên hiệu Minh Mạng thứ mười một (1830) núi được khắc vào Di đỉnh. Niên hiệu Tự Đức thứ ba (1850) liệt núi vào hạng danh sơn và ghi vào điển thờ. Trên núi có chùa Thiên Ấn vốn từ 1627, được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716 và Vua Lê Dụ Tông ban sắc phong năm 1727.
Sông Trà (Trà Khúc) bắt nguồn từ Kon Tum, dài 150 km, vắt ngang TP Quảng Ngãi. Niên hiệu Tự Đức thứ ba (1850) được liệt vào hạng sông lớn, đăng vào điển thờ.
Quảng Ngãi có đặc sản biểu trưng là cá bống sông Trà, don và đường phèn.
Quảng Ngãi từng in dấu chân người Việt cổ 70.000 năm trước.
Người bản địa Quảng Ngãi (Chăm, Co, Hrê, Xơ Đăng) là hậu duệ Việt tộc, thuộc chủng Mongoloid phương Nam dạng Indonesian hiện đại, là chủ nhân của Văn hóa Sa Huỳnh.
Người Kinh (nói chung là người Việt dưới các triều quân chủ chuyên chế Việt Nam) định cư sớm nhất tại Quảng Ngãi có lẽ là năm 1402, theo chân Tướng Đỗ Mãn Triều Hồ Hán Thương vốn từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đến; sau đó là các cuộc di dân lớn 1471, 1545 và 1648 từ Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình mà phần lớn là thân nhân binh sĩ, tù binh Đàng Ngoài trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-167), tù nhân lưu đày và người giàu nhưng ít ruộng đất mà muốn vào chốn mới.
Nhà Biên khảo Hồ Trung Tú, trong Có 500 năm như thế, bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kì lịch sử, khăng khăng Chăm và Việt là hai dân tộc khác biệt. Người Chăm lập nước từ năm 192; theo đó, trong máu người Quảng Ngãi có màu Chăm.
Người Quảng Ngãi cố chấp, cứng cỏi, háo thắng (Quảng Ngãi hay co), hùng dũng, lai đảm và nghĩa hiệp.
Người Quảng Ngãi lấy núi Ấn sông Trà làm biểu tượng.
Anh tài Quảng Ngãi không nhiều nhưng làm siêu sử Việt, có thể kể: (1) Bùi Tá Hán (1496-1568) là quan Triều Hậu Lê, nhậm chức Trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam (nay là Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). Ông bình định và hộ dân vùng này. (2) Lê Văn Duyệt (1764-1832) sinh tại Tiền Giang nhưng ông nội là người Quảng Ngãi. Ông giúp Chúa Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn. Cuộc đời ông nổi bật đức chính trực dù có tì vết riêng tư. Ông tuy ẩn cung nhưng tài chính trị và quân sự thì kiệt xuất. Đất Quảng Ngãi nhờ ông dẹp loạn Thượng Đá Vách và sai đắp lại Trường Lũy vốn có từ thời Bùi Tá Hán mà yên. Đất Gia Định (cả miền Nam bây giờ) nhờ ông làm tổng trấn hai lần 15 năm mà phồn thịnh. Đất An Giang nhờ ông sai đào kênh Vĩnh Tế mà phát và vững. Ông là vị anh hùng, là ân nhân chí ít trong lòng dân Nam Bộ, Trung Bộ và đặc biệt là dân Quảng Ngãi, Tiền Giang và An Giang. Ông làm rạng danh nước Việt trên thế giới. (3) Trương Định (1820 - 1864) vốn người Quảng Ngãi nhưng thành danh ở miền Tây. Có thể coi ông là người thể hiện khí phách Quảng Ngãi khi trả lời Phan Thanh Giản về việc bãi binh chống Pháp: “Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hòa còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm...”. Dân miền Tây tôn ông là Bình Tây Đại nguyên soái.
Người Quảng Ngãi để dấu sâu đậm trong văn chương Việt như (1) Non nước xứ Quảng do Nhà biên khảo Phạm Trung Việt (1926-2008), quê Sơn Tịnh, viết năm 1962, viết về Quảng Ngãi; (2) Tuấn, chàng trai nước Việt, do Tác gia Nguyễn Vỹ (1912-1971), quê Đức Phổ, viết năm 1970, là trần thuật về nước Việt nửa đầu thế kỷ XX và (3) Hai câu thơ “Ơ hay, buồn vương cây ngô đồng/Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông” của Thi sĩ Bích Khê (Lê Quang Lương [1916-1946] quê Tư Nghĩa) thuộc loại lãng mạn nhất làng thi ca Việt.
Ba,
Việt tộc nội chiến hoài.
Việt tích “Thánh Gióng phá giặc Ân” là chuyện đánh nhau trên đất Tàu đời Nhà Thương (Ân) vì đơn giản là 300 năm trước Tây lịch thì đồng bằng sông Hồng mới ló còn trước đó mênh mông nước.
Người Chăm ngay từ năm 100 đã gây hấn với láng giềng.
Thiên hạ đánh nhau làm gì?
Ba,
Con đang giữ cuốn Non nước xứ Quảng tân biên ba mua trước năm 1975.
Dù ở quê chỉ 11 năm đầu đời nhưng nỗi nhớ quê thôi thúc con nên chọn tên hãng (corporation) là “núi Ấn sông Trà” còn ảnh nền hãng là bức “sông Trà núi Ấn” do Nhiếp ảnh gia Trần Trọng Vinh chụp năm 1968.
Sông Trà đang hòa biển năm châu còn tiếng chuông chùa núi Ấn (cái chuông làng Chú Tượng, Mộ Đức cúng dường đời Vua Minh Mạng thứ tám-1827) vang vọng chiều toàn cầu.
Đọc thêm
Đào Duy An. Ngày ấy Kon Tum. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2022.
Nguyễn Bá Trác. Quảng Ngãi Tỉnh chí. Trong Phạm Quỳnh: Nam Phong Văn học, Khoa học Tạp chí; số 181-8, 1933.
Phạm Trung Việt. Non nước xứ Quảng Tân biên. Khai Trí Sài Gòn phát hành, 1969.
Salemink O. The Regional Centrality of Vietnam’s Central Highlands. DOI:10.1093/acrefore/9780190277727.013.113
*