Kính già, già để tuổi cho

Lời dẫn

Bản thân trải qua 12 năm giáo dục phổ thông, vài lần cải cách giáo dục đại học và sau đại học ở thời nay, thấu triệt cái khuyết của nền giáo dục nên luôn trăn trở về nó dù không làm nghề “viết bảng”. Những dòng cũ và mới này là góc “thằng mù sờ voi” về giáo dục học đường đạo đức lâu nay.

Dòng cũ

“Cây có cội, nước có nguồn”[1], chúng ta ai cũng có cha mẹ. “Sinh, trụ, dị, diệt” là quy luật cơ bản của vạn vật trong vũ trụ. Đối với con người đó là vòng “sinh, lão, bệnh, tử”. Lớp tiếp lớp, tất cả đều có cơ may lên lão. Thời gian và trải nghiệm đời sống tích tụ ở độ tuổi thứ hai của cuộc đời. Kho tàng ca dao-tục ngữ Việt Nam nói về độ chín tri thức và thực tế ở tuổi này khá nhiều, chẳng hạn “muốn may thì phải tìm kim; muốn  hay thì phải đi tìm người xưa”[2], “già quen việc, trẻ quen ăn”[3], “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”[4]. Người già là kho tàng kinh nghiệm của nhân loại. Hội nghị Diên Hồng thuở Nhà Trần chống quân Mông-Nguyên chứng minh hùng hồn ý chí tuổi cao niên.

Dân số thế giới có xu hướng già, tuổi thọ ngày càng tăng. Tổ chức Y tế Thế giới và theo đó Hội Người cao tuổi Việt Nam quy định người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên. Tính đến ngày 11/7/2011, Việt Nam có 87 triệu người, trong đó ước tính 8 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Người Việt thọ trung bình 73 tuổi.

Theo Giáo sư Phạm Khuê già là sự mất dần và không đảo ngược các khả năng thích nghi của cơ thể với môi trường sống. Già không phải là bệnh nhưng là cơ hội bệnh tật phát sinh và trở nặng. Đây là độ tuổi mà bệnh mạn tính và thoái hóa xuất hiện nhiều nhất như xơ vữa động mạch và các biến chứng (tăng huyết áp, đột quỵ, truỵ tim...), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận mạn, viêm xương khớp, loãng xương, đặc biệt là các bệnh lý não như sa sút trí tuệ.

Ca dao-tục ngữ Việt Nam từ ngàn xưa đã mô tả súc tích tình trạng sinh bệnh lý tuổi già. Ai mà không thuộc lòng những lời như “mẹ già như chuối chín cây”[5], “trẻ đeo hoa, già đeo tật”[6], “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”[7], “trẻ dôi ra, già rụt lại”[8], “trẻ khôn ra, già lú lại”[9],  “trẻ thì bé dại thơ ngây, già thì lú lẫn biết ngày nào khôn”[10] đồng thời cũng đúc kết giá trị thực phẩm với người cao tuổi như “già được bát canh, trẻ được manh áo mới”[11].

Tuy bối cảnh nông nghiệp, bao binh biến, trong lũy tre làng, ca dao Việt Nam vẫn vút lên những câu đau đáu về chăm sóc người cao tuổi như “dù no dù đói cho tươi; bớt ăn bớt ngủ mà nuôi mẹ già”[12], “đi đâu mà bỏ mẹ già; gối nghiêng ai sửa, chén trà ai nâng”[13] hoặc “đói lòng ăn trái chà là; để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”[14] và thiết thực hơn cho đến đời nay, dài mãi mai sau là “một lạy sống hơn đống lạy chết”[15]. Trên 500 năm trước vào thời Nhà Hậu Lê, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi rằng người dân từ 60 tuổi trở lên được miễn thuế (đinh) và phu phen tạp dịch. Ngày nay, Điều 64 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định rõ: “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được nhà nước và xã hội giúp đỡ” Hằng ngày đi làm tôi vẫn thấy bên cạnh những người già được con cháu chăm sóc chu đáo thì có cụ đi bán từng cái bánh rán, mặt găm sát đất, có người già lọm khọm bán vé số hoặc xin ăn…Mỗi sáng chạy vòng quanh đời vẫn thấy lưng còng lọm khọm chợ mai. Luật Hồng Đức do Vua Lê Thánh Tông ban hành quy định tội bất hiếu, bạc đãi cha mẹ, ông bà là trọng tội. Điều 3 Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000 quy định rõ: “Việc phụng dưỡng người cao tuổi là trách nhiệm chủ yếu của gia đình có người cao tuổi”; sau đó Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2010 cũng quy định: “Gia đình người cao tuổi có trách nhiệm chủ yếu trong việc phụng dưỡng người cao tuổi”. Giới chức trách đã thống kê thực trạng chăm sóc người già và giải quyết mức nào, luật thực thi đến đâu…? 

Vì muốn biết học sinh được dạy về truyền thống “kính lão đắc thọ” như thế nào, tôi bỏ cả buổi sáng chủ nhật năm 2004 để khảo sát chương trình dạy đạo đức cho học sinh phổ thông tại Nhà sách Thời Đại đường Phan Đình Phùng, Kon Tum, Kon Tum và thấy hụt hẫng làm sao. Môn đạo đức dành cho học sinh ở bậc tiểu học gọi là đạo đức còn bậc trung học (cơ sở và phổ thông) gọi là giáo dục công dân. Cả 12 năm học học sinh chỉ được học hai bài có liên quan đến kính trọng người già (tỷ lệ 2/202 = 0,099% bài đạo đức và giáo dục công dân của 12 năm phổ thông), đó là bài "Chăm sóc ông bà, cha mẹ" ở sách Đạo đức 4 (Nhà Xuất bản Giáo dục năm 2003) và bài "Kính trọng người già cả" ở sách Đạo đức 5 (Nhà Xuất bản Giáo dục năm 2004). Lời đáng ghi nhớ ở hai bài ngắn gọn trên là: “Công cha như núi Thái sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; một lòng thờ mẹ kính cha; cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”[16] (sách Đạo đức 4) và "kính già, già để tuổi cho (kính lão đắc thọ)"[17] (sách Đạo đức 5). Tuyệt nhiên không có bài nào liên quan chủ đề người già ở bậc trung học. Có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo mắc dạy học sinh làm “công dân” (vì có rất nhiều bài về chủ đề này) hơn là dạy “làm con, làm cháu”. Lục sang các sách “Tiếng Việt” may mà còn thấy trong sách Tiếng Việt lớp 2 năm 2004 trang 86 có câu chuyện kể “Bà cháu” rằng sau khi bà chết, hai cháu chỉ có một điều ước là bà sống trở lại. Lời hai cháu trong truyện trên khi trả lời cô tiên về sự lựa chọn giữa sự giàu sang và việc bà sống lại như sau: “Chúng cháu chỉ cần bà sống lại”. Điều đó đáng để chúng ta suy nghiệm. Chữ “hiếu” trong Từ điển tiếng Việt của học giả Hoàng Phê xuất bản năm 1992 nghĩa như sau: “Hiếu có nghĩa là ham thích, coi trọng; chữ hiếu trong gia đình tức là hiếu đễ, hiếu thảo, hiếu thuận; cả ba từ có nghĩa là kính yêu và biết nghe lời cha mẹ”. Điều 64 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 có đoạn: “Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ”. Điều 13 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991 quy định: “Trẻ em có bổn phận: yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà”. Điều 6 Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000 cũng quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ biết ơn, kính trọng và chăm sóc người cao tuổi”. Tất cả điều luật này có thấy trong sách giáo khoa đâu; ngay cả với người lớn, có mấy ai biết hành vi “kính già” được pháp luật quy định? Tôi không yên lòng khi nhà trường dạy học sinh ít ỏi về chữ hiếu đễ như vậy. Đành rằng “dạy con từ thuở nên thơ”[18] là công việc cần kíp của mỗi gia đình nhưng khi trẻ đến tuổi học đường thì giáo dục nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng, gia đình-nhà trường-xã hội là trục tam giác của hình thành nhân cách. Hỏi thử con cháu hỗn tại ai?

André Maurois, nhà văn Pháp cận đại nói: “Một xã hội mà người già không được kính trọng, một xã hội mà người trẻ không được trìu mến; cả hai đều què quặt”. Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Quốc nhận xét: “Ai cũng thương con nhưng chỉ người có văn hóa mới kính yêu cha mẹ”. Cũng André Maurois trong cuốn hồi ký “Chân dung một người bạn là tôi” đã tả sự hối hận vô ích của mình sau khi cha chết: “Chỉ một lời nói, một vài phút để đi thăm, một cú điện thoại, một lá thư có lẽ sẽ làm ba tôi vui sướng suốt một ngày nhưng tôi đã dành thì giờ đó để đi chơi với nàng, không rời nàng một bước. Tôi có thì giờ để viết thư cho các sếp của tôi, cho bạn hữu nhưng không có thì giờ cho ba tôi. Tuy nhiên, tôi rất yêu ông!”.

Triết thuyết Việt do đặc điểm lịch sử ẩn tàng trong ca dao, tục ngữ. Truyền thống “kính già, già để tuổi cho” cũng nằm hình thức đó. Thực tế Việt Nam thì ai chăm sóc cha mẹ già bằng chính con cháu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”[19]. Dân gian còn đó chuyện cổ tích “Cái gáo dừa”. Tổ tiên vừa dạy vừa cảnh báo hậu sinh bằng chuyện kể sinh động.

Tôi khắc khoải câu tục ngữ Việt Nam: “Sóng trước đổ sao, sóng sau đổ vậy”[20].

Dòng mới

Hai lần sáng 27/09/2011 và sáng 24/09/2016, lục tìm sách Đạo đức và Giáo dục công dân ở Nhà sách FAHASA Tân Định, Q3, Tp HCM cả buổi cũng không thấy nội dung dạy chữ hiếu khác gì 7 năm và 12 năm trước: Vẫn chừng đó. Nội dung dạy làm người vừa sơ sài, vừa sót và vừa siêu (vì có những vấn đề quá mức, chưa cần thiết so với độ tuổi) trong khi sách dạy toán, lý, hoá, Anh ngữ…thì nhan nhản.

Bất giác tôi buột miệng: “Ôi nền giáo dục Việt Nam thời nay!”.

Lời bạt

Kể từ lúc khởi viết đến nay, 12 năm đã qua, một thế hệ học trò vào đời; hành trang “hiếu” là gì khi vẫn mớ bòng bong cũ?

“Thứ nhất là tu tại gia/Thứ nhì tu chợ  thứ ba tu chùa/Tu đâu cho bằng tu nhà/Thờ cha kính mẹ mới là đạo tu”, câu truyền tụng của tổ tiên nhắn nhe đạo làm con ngay tự thuở đạo Bụt du nhập nước Văn Lang 2300 năm trước vẫn vang vọng. Không biết những người “cầm cân nảy mực” nền giáo dục Việt Nam nghĩ gì khi đứa trẻ vào đời khuyết/nhẹ giáo dục đạo đức?

 

Tài liệu tham khảo chính

1. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

2. Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991.

3. Luật Người cao tuổi năm 2010.

4. Nguyễn Dương Bình. Truyền thống kính trọng người cao tuổi của dân tộc ta. Tạp chí Dân tộc học 1998;4:3-7.

5. Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000.

6. Sách Đạo đức lớp 1-5 và Giáo dục Công dân lớp 6-12 xuất bản từ 2003 đến 2011.

7. 1-20 Tục ngữ-ca dao Việt Nam.

Giao tiếp trực tuyến

 0909199849

Mảng buôn

Nhà sách Sông Trà

 Nhà sách Sông Trà: 35A Nguyễn Trung Trực, P5, Bình Thạnh, TP.HCM Tiêu ngữ: Trí khoẻ, tâm trẻ, thân nhẹ. Bán sách của ThS. BS Đào Duy An, hiện có:…

Ngũ hải

Lan man "Ngày Sách 2021"

Xóm Gà, 19/4/2021; Đào Duy An.DẫnSáng 19/4/2021, đi ngang đường Lê Văn Duyệt, Sài Gòn, thấy thiên hạ chào mừng Ngày Sách Việt Nam-21/4-nên hào hứng…Ngày sách Thế giới bắt…

Thời cơ

Tuyển bác sĩ, y tá cộng tác

Chúng tôi  mở Dịch vụ Bác sĩ & Săn sóc tại nhà 24/24 (INN Care) cả nước. Vì vậy, chúng tôi tha thiết mời bác sĩ, y tá nào yêu thích INN…

Đang truy cập: 3

Tổng truy cập: 163541

ajax-loader